Tầm nhìn và sứ mệnh là những thuật ngữ phổ biến được các công ty, doanh nghiệp sử dụng. Thông qua việc thể hiện tầm nhìn và sứ mệnh của mình, doanh nghiệp sẽ giúp đối tác, khách hàng biết được mong muốn cũng như mục tiêu mà công ty hướng đến. Vậy, tầm nhìn và sứ mệnh là gì? Làm thế nào để phân biệt được chúng? Những thắc mắc này sẽ được Lamchutaichinh.vn giải đáp trong bài viết sau!
Tìm hiểu khái niệm Tầm nhìn và Sứ mệnh và Mục tiêu
Không ít công ty hiện nay vẫn thường nhầm lẫn giữa các khái niệm tầm nhìn, mục tiêu và sứ mệnh. Thậm chí, đôi khi còn có nhầm lẫn trong cách sử dụng các thuật ngữ này.

Tầm nhìn là gì?
Tầm nhìn (Vision) là những điều mà doanh nghiệp/công ty mong muốn gặt hái được ở tương lai. Đây là mục tiêu dài hạn mà các doanh nghiệp đề ra. Đồng thời nó cũng tạo ra nguồn động lực và cảm hứng để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.
Sứ mệnh là gì?
Sứ mệnh (mission) được hiểu là những giá trị, lợi ích mà công ty/doanh nghiệp mang lại cho khách hàng ở thời điểm hiện tại. Nó bao gồm lý do hình thành và phát triển của một đơn vị. Ngoài ra, sứ mệnh cũng đóng vai trò hỗ trợ tầm nhìn cũng như các mục tiêu mang tính dài hạn.
Mục tiêu là gì?
Mục tiêu là kết quả, đích đến mà công ty/doanh nghiệp mong muốn đạt được trong một khoảng thời gian nhất định. Mục tiêu thường gắn với các dự án, kế hoạch và được triển khai, đánh giá, theo dõi theo từng giai đoạn. Tùy theo từng cá nhân, bộ phận trong doanh nghiệp mà mục tiêu đề ra sẽ khác nhau.
Sự khác biệt giữa Tầm nhìn và Sứ mệnh là gì?
Để phân biệt giữa tầm nhìn và sứ mệnh, các bạn có thể theo dõi bảng so sánh dưới đây:
Tiêu chí so sánh | Tầm nhìn | Sứ mệnh |
Trả lời cho câu hỏi nào | Tầm nhìn giải đáp cho câu hỏi “Mục tiêu của chúng ta là gì?”, “Chúng ta sẽ đi đến đâu?”. | Sứ mệnh giải đáp cho câu hỏi “Chúng ta cần làm gì để thành công?”, “Điều gì tạo nên sự khác biệt của chúng ta”. |
Ý nghĩa | Tầm nhìn giúp ta xác định được giá trị và mục đích tồn tại của doanh nghiệp. Đồng thời xác định được doanh nghiệp muốn đi xa đến đâu. | Sứ mệnh giúp doanh nghiệp hiểu được làm thế nào để đến nơi mình muốn. Từ đó xác định ra mục tiêu và khẳng định giá trị của doanh nghiệp. |
Về mặt thời gian | Hướng đến tương lai. | Tập trung ở hiện tại. |
Chức năng | Thúc đẩy doanh nghiệp nỗ lực nhiều hơn nữa để đạt được mục tiêu đề ra. | Giúp doanh nghiệp xác định rõ các mục tiêu của mình. Từ đó biết được cần phải làm gì để đạt được thành công, |
Tính thay đổi | Tầm nhìn được đặt ra để giải thích nền tảng của công ty/doanh nghiệp. Do đó tầm nhìn phải mang tính xuyên suốt, hạn chế thay đổi. | Có thể thay đổi sứ mệnh. Tuy nhiên cần bám sát vào giá trị cốt lõi của công ty/doanh nghiệp cũng như nhu cầu của khách hàng. |
Mục đích | Chúng ta đang hướng đến đâu? Khi nào đạt được mục đích? | Chúng ta đang làm gì? Đang làm cho ai? Lợi ích mang lại là gì? |
Đặc tính và hiệu lực | Tầm nhìn giúp làm rõ sự mơ hồ, hướng đến tương lai tốt đẹp. Thể hiện được giá trị và văn hóa của công ty/doanh nghiệp. | Thể hiện rõ giá trị và mục đích của công ty/doanh nghiệp. |
Ý nghĩa của Tầm nhìn và Sứ mệnh với doanh nghiệp
Bên cạnh tầm nhìn và sứ mệnh là gì thì nhiều người cũng thắc mắc về ý nghĩa cũng như vai trò mà tầm nhìn và sứ mệnh mang lại cho công ty/doanh nghiệp.
- Sứ mệnh và tầm nhìn được xem là “kim chỉ nam” chỉ dẫn doanh nghiệp đi đúng hướng và xây dựng được kế hoạch, chiến lược làm việc hiệu quả để gặt hái được những mục tiêu đề ra.
- Các tuyên bố về sứ mệnh và tầm nhìn giúp doanh nghiệp xác định được mục đích và kết quả đạt được. Tạo nên nguồn động lực to lớn thúc đẩy nhân viên trong công ty làm việc hiệu quả hơn.
- Tầm nhìn và sứ mệnh mang đến cho doanh nghiệp hướng đi đúng đắn, rõ ràng và hướng đến mục tiêu đã đề ra.
- Các chiến lược đặt ra trong tầm nhìn giúp doanh nghiệp xây dựng và sắp xếp nguồn nhân lực của công ty. Từ đó tạo bước đệm chắc chắn để gặt hái các thành công.
- Các tiêu chí đặt ra trong tầm nhìn chiến lược đóng vai trò là chất keo gắn kết các nhân viên trong doanh nghiệp. Định hướng họ phải hướng đến một mục tiêu duy nhất, từ đó tăng hiệu quả trong công việc.
Chính những vai trò to lớn trên mà hiện nay, các công ty/doanh nghiệp ngay từ khi bắt đầu đã tập trung xây dựng tầm nhìn và sứ mệnh phù hợp. Để từ đó tạo thành kim chỉ nam giúp doanh nghiệp phát triển đúng hướng, gặt hái được các mục tiêu đề ra.
Tầm nhìn và Sứ mệnh nên làm cái nào trước?
Tùy thuộc vào doanh nghiệp mới hay cũ mà cách triển khai sứ mệnh hay tầm nhìn trước sẽ có sự khác nhau. Đối với các doanh nghiệp đã hoạt động nhưng chưa xây dựng tầm nhìn, lúc này sứ mệnh sẽ có trước và đóng vai trò chủ chốt. Sứ mệnh dẫn dắt tầm nhìn và giúp doanh nghiệp thực hiện các kế hoạch đã đề ra để hoàn thành mục tiêu.

Còn đối với các doanh nghiệp mới, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là xây dựng tầm nhìn đúng đắn từ đó tạo nên sứ mệnh. Đồng thời dẫn dắt kế hoạch để hoàn thành được các mục tiêu mà tầm nhìn đặt ra.
Cách triển khai Tầm nhìn và Sứ mệnh tại doanh nghiệp
Đối với các công ty/doanh nghiệp đã thành lập và xây dựng được sứ mệnh riêng thì lúc này sứ mệnh sẽ đóng vai trò dẫn dắt tầm nhìn cũng như các chiến lược tương lai.
Còn đối với các doanh nghiệp start up, đang bước đầu hoạch định kế hoạch phát triển dịch vụ kinh doanh thì nên xây dựng tầm nhìn trước. Từ đó tầm nhìn sẽ dẫn dắt sứ mệnh và giúp doanh nghiệp đi đúng theo con đường đã vạch ra trước đó.
Cách thiết lập mục tiêu của doanh nghiệp

Sau khi hiểu rõ tầm nhìn và sứ mệnh là gì, các bạn có thể tham khảo thêm cách thiết lập các mục tiêu dài hạn và ngắn hạn cho doanh nghiệp dưới đây:
Mục tiêu ngắn hạn
Các mục tiêu đặt ra trong khoảng thời gian ngắn từ vài tuần cho đến vài tháng được gọi là mục tiêu ngắn hạn. Theo đó, người đứng đầu các bộ phận, phòng ban của doanh nghiệp cần thực hiện được các công việc sau:
- Lên kế hoạch chi tiết và xác định rõ lộ trình hoàn thành mục tiêu đề ra trong khoảng thời gian nhất định.
- Giám sát, đo lường tiến độ hoàn thành công việc của từng cá nhân, bộ phận từ đó có phương án xử lý kịp thời.
- Xác định khối lượng công việc cụ thể và tiến hành giám sát chặt chẽ để hoàn thành mục tiêu đề ra.
- Người đứng đầu cần đảm bảo chắc chắn nhân viên hiểu rõ nhiệm vụ và thực hiện công việc một cách nghiêm túc.
Mục tiêu dài hạn
Đây là các mục tiêu được đặt ra trong thời gian dài từ vài năm trở lên, thậm chí là hàng chục năm. Để đạt được các mục tiêu dài hạn, công ty/doanh nghiệp cần:
- Lên bảng công việc chi tiết cho từng khoảng thời gian nhất định.
- Phân chia các đầu việc để dễ dàng giám sát và quản lý.
- Ưu tiên các mục tiêu kinh doanh trong thời gian dài. Từ đó sắp xếp và phân bổ nhân sự cũng như thời gian hợp lý để hoàn thành các mục tiêu nhỏ tốt nhất.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần liên tục theo dõi và cập nhật tiến độ hoàn thành để đạt được mục tiêu dài hạn đã đề ra.
Ví dụ về tầm nhìn và sứ mệnh của các công ty nổi tiếng tại Việt Nam và trên Thế giới
Để giúp các bạn hiểu rõ hơn về tầm nhìn và sứ mệnh là gì, Lamchutaichinh.vn đã lấy ví dụ cụ thể về tầm nhìn cũng như sứ mệnh của một số công ty, tập đoàn lớn tại Việt Nam cũng như nước ngoài dưới đây:
Tầm nhìn và sứ mệnh Vinamilk

Tầm nhìn: Trở thành biểu tượng niềm tin hàng đầu Việt Nam về sản phẩm dinh dưỡng và sức khỏe phục vụ cuộc sống con người.
Sứ mệnh: Cam kết mang đến cho cộng đồng nguồn dinh dưỡng và chất lượng cao cấp hàng đầu bằng chính sự trân trọng, tình yêu và trách nhiệm cao của mình với cuộc sống con người và xã hội.
Tầm nhìn và sứ mệnh Vingroup

Tầm nhìn: Vingroup định hướng phát triển thành một Tập đoàn Công nghệ – Công nghiệp – Thương mại Dịch vụ hàng đầu khu vực, không ngừng đổi mới, sáng tạo để kiến tạo hệ sinh thái các sản phẩm dịch vụ đẳng cấp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người Việt và nâng tầm vị thế của thương hiệu Việt trên trường quốc tế.
Sứ mệnh: Vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người Việt.
Tầm nhìn và sứ mệnh Thiên Long
Tầm nhìn: Đưa sản phẩm Thiên Long đến mọi miền đất nước và trên toàn thế giới.
Sứ mệnh: Thiên Long cam kết mang đến những sản phẩm, văn phòng phẩm, dịch vụ chất lượng tốt nhất phục vụ cho việc học tập, làm việc, sáng tạo góp phần chinh phục đỉnh cao tri thức của nhân loại.
Tầm nhìn và sứ mệnh Techcombank

Tầm nhìn: Trở thành Ngân hàng tốt nhất và doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam.
Sứ mệnh:
- Trở thành đối tác tài chính được lựa chọn và đáng tin cậy nhất của khách hàng nhờ khả năng cung cấp đầy đủ các sản phẩm và dịch vụ tài chính đa dạng và dựa trên cơ sở luôn coi khách hàng làm trọng tâm.
- Tạo dựng cho cán bộ nhân viên một môi trường làm việc tốt nhất với nhiều cơ hội để phát triển năng lực, đóng góp giá trị và tạo dựng sự nghiệp thành đạt.
- Mang lại cho cổ đông những lợi ích hấp dẫn, lâu dài thông qua việc triển khai một chiến lược phát triển kinh doanh nhanh mạnh song song với việc áp dụng các thông lệ quản trị doanh nghiệp và quản lý rủi ro chặt chẽ theo tiêu chuẩn quốc tế.
Tầm nhìn và sứ mệnh Google
Tầm nhìn: Cung cấp truy cập thông tin trên thế giới chỉ trong một nút nhấn.
Sứ mệnh: Sứ mệnh của chúng tôi là sắp xếp thông tin của thế giới và làm cho thông tin đó trở nên hữu ích và dễ tiếp cận cho tất cả mọi người.
Tầm nhìn và sứ mệnh TED
Tầm nhìn: Chúng tôi tin tưởng vào sức mạnh của ý tưởng để thay đổi thái độ, cuộc sống và cuối cùng là thế giới.
Sứ mệnh: Truyền bá ý tưởng.
Tầm nhìn và sứ mệnh Samsung

Tầm nhìn: Truyền cảm hứng cho thế giới. Sáng tạo tương lai.
Sứ mệnh: Truyền cảm hứng cho thế giới với các công nghệ, sản phẩm và thiết kế sáng tạo của chúng tôi, làm phong phú thêm cuộc sống của người dân và đóng góp cho sự thịnh vượng xã hội bằng cách tạo ra một tương lai mới.
Tầm nhìn và sứ mệnh Facebook
Tầm nhìn: Mọi người sử dụng Facebook để kết nối với bạn bè và gia đình, để khám phá những gì diễn ra trên thế giới và chia sẻ và bày tỏ những gì quan trọng với họ.
Sứ mệnh: Cung cấp cho mọi người sức mạnh để xây dựng cộng đồng và đưa thế giới xích lại gần nhau hơn.
Tầm nhìn và sứ mệnh IKEA
Tầm nhìn: Mang lại cuộc sống hàng ngày tốt đẹp hơn cho mọi người
Sứ mệnh: Cung cấp một loạt các sản phẩm trang trí nội thất gia đình được thiết kế tốt với giá thấp đến mức hầu như ai cũng có thể mua được.
Kết luận
Bài viết trên của Lamchutaichinh.vn đã giải đáp chi tiết thắc mắc Tầm nhìn và sứ mệnh là gì cũng như cách phân biệt hai thuật ngữ này. Để cập nhật thêm nhiều kiến thức mới về tài chính, đừng quên truy cập website của chúng tôi mỗi ngày nhé!
Bài viết được biên tập bởi: Lamchutaichinh.vn