HomeKiến Thức Tài ChínhGiải Quyết Tranh Chấp Trực Tuyến (ODR) Là Gì?

Giải Quyết Tranh Chấp Trực Tuyến (ODR) Là Gì?

Trong tranh chấp thương mại thì thuật ngữ “ODR – giải quyết tranh chấp trực tuyến” không còn quá xa lạ. Vậy ODR là gì? Cơ chế hoạt động và đặc điểm như thế nào?

Cùng chúng tôi tìm hiểu qua nội dung bài viết này nhé!

Xem thêm:

Giải quyết tranh chấp trực tuyến – ODR là gì?

Giải quyết tranh chấp trực tuyến, viết tắt là ODR trong tiếng Anh gọi là: Online-Dispute Resolution.

Theo giải thích của các chuyên gia pháp lí thì “giải quyết tranh chấp trực tuyến” là một thuật ngữ được ghép (collective terms) bởi trực tuyến (Online) và giải quyết tranh tranh chấp thay thế (ADR).

Giải quyết tranh chấp trực tuyến - ODR là gì?
Giải quyết tranh chấp trực tuyến – ODR là gì?

Vì vậy, thuật ngữ ODR có thể được hiểu rộng rãi trên thế giới là việc sử dụng các biện pháp giải quyết tranh chấp thay thế với sự hỗ trợ của công nghệ internet (mạng trực tuyến).

Với đặc điểm này ODR bao gồm một loạt các qui trình giải quyết tranh chấp thay thế được thực hiện qua cơ chế trực tuyến như internet hoặc một số hình thức công nghệ cho phép thực hiện các kết nối thông tin ảo trên mạng mà không đòi hỏi các bên phải liên hệ trực tiếp trong một không gian vật chất nhất định.

Đặc điểm của ODR (Online Dispute Resolution)

ODR không chỉ tập trung vào giải quyết các tranh chấp Thương mại điện tử (TMĐT).

Tại Hoa Kỳ nơi ODR phát triển mạnh mẽ và được ứng dụng rộng rãi. Liên đoàn Luật sư Hoa Kỳ (ABA – American Bar Association) còn khẳng định rằng ODR dùng các qui trình giải quyết tranh chấp thay thế để giải quyết các khiếu nại tranh chấp phát sinh từ các giao dịch trực tuyến giao dịch TMĐT và cả các tranh chấp phát sinh từ các sự kiện không liên quan đến internet – còn gọi là những tranh chấp “ngoại tuyến” (offline dispute).

Không chỉ ở các nước phát triển ngay ở Việt Nam hiện nay nhiều khiếu kiện tranh chấp từ các giao dịch không thực hiện qua internet cũng đang được giải quyết bằng phương thức trực tuyến.

Bản chất của ODR chính là sự kết hợp giữa ADR và một công cụ đặc biệt là công nghệ internet do vậy ODR chứa đựng tất cả các đặc điểm của ADR đó là tính tự nguyện linh hoạt trong qui trình giải quyết khả năng tiết kiệm thời gian và tiền bạc đề cao sự tự quyết giữa các bên và tính không bắt buộc tuân thủ của thỏa thuận giải quyết tranh chấp (trừ phán quyết trọng tài).

(Tài liệu tham khảo: Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội: Giải quyết tranh chấp thương mại trực tuyến: Những vấn đề pháp lí đặt ra cho Việt Nam, Phan Thị Thanh Thủy)

Cơ chế hoạt động của hệ thống ODR

Hệ thống ODR là hệ thống phần mềm được các tổ chức ODR xây dựng nhằm cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp trực tuyến cho các bên khi có tranh chấp phát sinh, đặc biệt phù hợp cho các tranh chấp TMĐT, tranh chấp tiêu dùng giá trị nhỏ và các tranh chấp dân sự, kinh tế khác mà các bên có sự xa cách về mặt địa lý. Có thể thấy rằng, tùy theo chức năng và phạm vi hoạt động của từng tổ chức ODR, hệ thống ODR sẽ cho phép các bên thực hiện thủ tục giải quyết vụ việc tranh chấp của mình bằng một, hai hay cả ba phương thức sau:

  • (i) Thương lượng trực tuyến giữa các bên tranh chấp;
  • (ii) Hòa giải vụ việc tranh chấp trực tuyến giữa các bên với sự tham gia của hòa giải viên thuộc tổ chức ODR;
  • (iii) Xét xử vụ việc theo thủ tục trọng tài trực tuyến nếu tổ chức ODR có chức năng hoạt động trọng tài.

Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp trực tuyến trên hệ thống ODR sẽ phụ thuộc chặt chẽ vào quy định pháp luật tại từng nước, tuy nhiên có thể thấy rằng, nhờ có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và truyền thông mà các thủ tục này được thực hiện rất nhanh chóng và thuận tiện. Khi so sánh với việc giải quyết tranh chấp truyền thống thì việc giải quyết tranh chấp trực tuyến tại tổ chức ODR sẽ có những ưu điểm như sau:

Trước hết, hệ thống giải quyết tranh chấp ODR cho phép các bên có thể thực hiện được toàn bộ quá trình xử lý vụ việc từ nộp đơn yêu cầu xét xử, nộp tài liệu, bằng chứng; liên lạc giữa tổ chức ODR với các bên tranh chấp và giữa các bên tranh chấp với nhau; đến tổ chức phiên họp hòa giải, trọng tài giữa các bên; ra biên bản hòa giải, quyết định trọng tài,… trên nền tảng ODR online mà các bên được cấp quyền truy cập. Việc ứng dụng công nghệ vào các bước, tiến trình và thủ tục giải quyết tranh chấp như vậy giúp cho việc giải quyết vụ việc tranh chấp trở nên rất thuận tiện, thúc đẩy tiến trình giải quyết vụ việc nhanh và hiệu quả hơn rất nhiều so với phương thức giải quyết tranh chấp truyền thống tại tòa án.

Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ thì việc kiểm tra, xác thực dữ liệu, tài liệu phục vụ giải quyết tranh chấp có thể được công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) hỗ trợ xử lý nên việc kiểm tra, xem xét tài liệu, chứng cứ của các bên nộp cho tổ chức ODR cũng sẽ được công nghệ hỗ trợ rất nhiều. Đối với những tài liệu cần xác minh, xác thực thêm thì tổ chức ODR có thể yêu cầu các bên tranh chấp cung cấp bản gốc, bản sao chứng thực hoặc thực hiện ký chữ ký số vào tài liệu đó để xác nhận, chịu trách nhiệm pháp lý. Bên cạnh đó, các giao dịch trên mạng internet luôn bắt buộc phải sử dụng dịch vụ của đơn vị cung cấp hạ tầng mạng, dịch vụ internet, như đơn vị cung cấp server, hosting, mail services, dịch vụ sàn TMĐT,… nên các giao dịch này đều có thể lưu vết dữ liệu, có thể làm nguồn kiểm tra, xác thực giúp các tổ chức ODR thực hiện việc giải quyết tranh chấp hiệu quả.

Thêm vào đó, hệ thống ODR cũng cho phép các bên tranh chấp có thể gặp nhau trực tuyến để trao đổi thương lượng, hòa giải, xét xử trọng tài theo hình thức text communication (trao đổi tin nhắn, chat) hoặc video conference (họp trực tuyến) rất tiện lợi, giúp đẩy nhanh được tốc độ giải quyết vụ việc tranh chấp cho các bên. Một điểm đáng chú ý là hệ thống ODR cũng cung cấp thêm các chức năng hỗ trợ quản lý vụ việc tranh chấp như nhắc nhở các bên thực hiện các công việc theo yêu cầu, đảm bảo tiến trình và thủ tục tố tụng được các bên thực hiện đúng thời gian và quy định pháp luật, kết nối đến các hệ thống tư pháp khác của nhà nước để các bên có thể sử dụng (nếu cần).

Ưu điểm thứ hai của việc giải quyết tranh chấp trực tuyến này là chi phí giải quyết vụ việc. Do có thể thực hiện toàn bộ thủ tục giải quyết tranh chấp qua mạng internet nên mức phí dịch vụ hòa giải hay trọng tài trực tuyến của các tổ chức ODR khá thấp so với các phương thức giải quyết tranh chấp truyền thống. Hiện nay, phần lớn các vụ việc tranh chấp TMĐT diễn ra trên các website, ứng dụng TMĐT mà ở đó các bên buộc phải tuân theo các quy định, tiêu chuẩn trong mua bán, giao dịch do tổ chức cung cấp dịch vụ sàn TMĐT quy định phù hợp với quy định pháp luật chẳng hạn như các quy định về đổi trả hàng, hoàn tiền,..vv. Do đó việc xử lý các vụ việc tranh chấp phát sinh tại đây cũng trở nên dễ dàng hơn khi các phương án giải quyết vụ việc tranh chấp có những tình huống quy định sẵn mà các bên đã nhất trí từ đầu theo các quy định của sàn TMĐT. Trong trường hợp có phát sinh tranh chấp tại đây, tổ chức ODR sẽ là cơ quan độc lập được sàn TMĐT chỉ định hoặc các bên lựa chọn có thẩm quyền xem xét vụ việc và đưa ra quyết định áp dụng tình huống xử lý nào đã được định sẵn hay quyết định khác để giải quyết vụ việc nhanh trong thời gian nhất định theo sự thống nhất của các bên và quy định của tổ chức ODR.

Ưu điểm thức ba, hệ thống ODR có thể phát triển và tích hợp thêm các công nghệ hiện đại để trở nên thông minh và có khả năng tự xử lý các tranh chấp đơn giản để giúp giải quyết một số lượng lớn các vụ việc tranh chấp TMĐT giá trị nhỏ. Hiện nay các công nghệ nhận dạng hình ảnh, phân tích tính nguyên gốc của dữ liệu, tài liệu; công nghệ khóa an toàn bằng chứng thư số hay công nghệ chuỗi khối (blockchain) để đảm bảo tính toàn vẹn của dữ liệu gốc; công nghệ học sâu (deep learning) và trí tuệ nhân tạo (AI) có thể được ứng dụng vào các hệ thống ODR để giúp hòa giải viên, trọng tài viên thuận lợi hơn trong việc kiểm tra, xác minh dữ liệu, tài liệu, bằng chứng vụ việc được các bên cung cấp khi đưa ra ý kiến, phán quyết. Thậm chí, hiện có nhiều tổ chức ODR đã sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) với khả năng tự học hỏi để tự giải quyết được rất nhiều các vụ việc tranh chấp TMĐT nhỏ mà không cần đến việc can thiệp của con người . Có thể thấy rằng, bằng việc ứng dụng, tích hợp thêm các công nghệ mới này vào hệ thống ODR của mình, các tổ chức ODR cũng chính là đơn vị tham gia thúc đẩy phát triển công nghệ và giúp tăng cường môi trường pháp lý lành mạnh cho các hoạt động mua bán, giao dịch trên mạng internet ngày một thuận tiện, minh bạch, mang lại nhiều lợi ích cho người dân.

Xem thêm chi tiết tại đây: https://cspl.mic.gov.vn/Pages/TinTuc/tinchitiet.aspx?tintucid=138275

Kết luận

Giải Quyết Tranh Chấp Trực Tuyến (ODR) là gì? Đặc điểm và cơ chế hoạt động ra sao? Nội dung bài viết này chúng tôi đã giúp bạn tìm hiểu về thuật ngữ này, hy vọng đã mang lại những thông tin kiến thức hữu ích.

2/5 - (4 bình chọn)
Nguyễn Thành
Nguyễn Thành
Mình là Nguyễn Thành, Founder & CEO Làm Chủ Tài Chính. Với hơn 5 năm kinh nghiệm làm việc chuyên sâu trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và fintech. Hi vọng những kiến thức được mình chia sẻ trên Làm Chủ Tài Chính sẽ giúp việc sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng một cách thông minh, đơn giản và hiệu quả nhất.
RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular

Recent Comments